Dịch Covid-19 đã kéo dài 2 năm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Loại virus này biến đổi và phức tạp hơn theo thời gian, trong đó phải kể đến biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh, dễ gây nguy hiểm tới sức khỏe con người.
Tuy nhiên, các nhà khoa học tại nhiều quốc gia vẫn đang nghiên cứu hiệu quả vắc xin ngừa Covid-19 trước loại biến chủng đặc biệt này.
Một lọ vắc xin Moderna được sử dụng hiện nay. (Ảnh: Pháp Luật TP.HCM)
Theo Zing News dẫn tin từ CNN đăng ngày 13/8, vừa qua Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã thông tin về kết quả thí nghiệm đối với vắc xin của hãng Moderna. Theo đó, cơ quan nghiên cứu này cho biết, biến chủng Delta hầu như không làm giảm hệ miễn dịch do vắc xin Moderna tạo ra sau 6 tháng (kể từ thời điểm tiêm chủng).
Chuyên gia của Viện Y tế Quốc gia Mỹ khẳng định trên tờ tạp chí Science: “Tải lượng kháng thể nhận diện tất cả các chủng virus ở mức cao, bao gồm chủng B.1.351 (Beta) và B.1.617.2 (Delta), được duy trì trong tất cả đối tượng thí nghiệm suốt thời gian này”.
Moderna thường được dùng để tiêm cho người lớn tuổi hoặc có bệnh nền. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Để có kết quả này, các nhà khoa học phải thực hiện thí nghiệm trên cơ thể của 24 tình nguyện viên. Tất cả những người này đều đã được tiêm đủ 2 liều vắc xin của Moderna. Sau đó, họ sử dụng mẫu máu vào tuần thứ 4 sau khi tiêm chủng mũi 1 và 3 thời điểm khác nhau sau khi tiêm mũi 2.
Kết quả từ hoạt động này cho thấy, kháng thể sản sinh phản ứng hiệu quả với biến chủng Delta và một số biến thể gây hại khác (nằm trong danh sách khuyến cáo của WHO). Trong thời điểm tháng thứ 6 sau khi tiêm vắc xin mũi 2, khoảng 96% mẫu máu vẫn có kháng thể giúp trung hòa hoàn toàn biến chủng Delta. Ngoài ra, tế bào B và T trong cơ thể người được tiêm chủng vắc xin Moderna vẫn duy trì hoạt động trong 6 tháng.
Một số loại vắc xin đang được đánh giá cao. (Ảnh: Dân Việt)
Hiện tại, ở Việt Nam, một số tỉnh thành đã triển khai phương án tiêm vắc xin Moderna cho những người có bệnh nền, cao tuổi. Bên cạnh loại vắc xin này, Bộ Y tế còn cấp phép sử dụng thêm AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna và Janssen.
Vắc xin ngừa Covid-19 là một cách quan trọng để mọi người hạn chế việc xâm nhập của virus vào cơ thể, hạn chế khả năng làm bệnh trở nên nặng hơn.
Y tá lấy thuốc từ lọ vắc xin ngừa Covid-19. (Ảnh: VnExpress)
Trước đó, vào ngày 10/8, báo Tuổi Trẻ cũng từng đưa tin từ hãng Reuters về hiệu quả của vắc xin Moderna. Cụ thể, theo nghiên cứu 2 nước là Mỹ, Israel và Canada, vắc xin Moderna có ưu thế trước biến chủng Delta hơn vắc xin Pfizer dù cả hai cùng sử dụng công nghệ mRNA.
Theo các nhà khoa học Mỹ, trong thời điểm biến chủng Delta gây nên tình trạng lây nhiễm cao ở Mỹ, mức bảo vệ của vắc xin Moderna chỉ giảm khoảng 10% so với mức ban đầu là 86%. Trong khi đó, vắc xin Pfizer lại giảm hiệu quả từ 76% xuống còn 42%.
Đối với nghiên cứu của Canada, một số cụ già đang sống tại viện dưỡng lão đã được tiêm vắc xin Moderna và Pfizer. Sau khi phân tích, họ nhận ra rằng người được tiêm vắc xin Moderna có phản ứng miễn dịch mạnh hơn, đặc biệt trước biến thể nặng. Chủ nhiệm nghiên cứu của Viện Lunenfeld Tanenbaum – ông Anne – Claude Gingras cho rằng có thể trong thời gian tới, những cụ cao niên sẽ cần phải tiêm mũi thứ 3 để bảo vệ sức khỏe trước Covid-19 và phòng bệnh khác.
Tin tổng hợp