Nhiều người dân lo lắng về nguy cơ lây nhiễn virus qua thực phẩm. Hãy cùng nghe bác sĩ nói về vấn đề này!
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chia sẻ SARS-CoV-2 không thể tồn tại trong thực phẩm nhưng chúng có khả năng xuất hiện tạm thời và sống trên bề mặt thực phẩm.
Tuy nhiên, khả năng sống của virus ở các bề mặt khác nhau là khác nhau. Chúng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn hoặc không thể tồn tại ở một số thực phẩm.
TS. Hùng phân tích: “Ví dụ như một người bán thịt tươi sống là F0 chưa được phát hiện. Trong lúc sơ chế, người này vô tình ho, hắt hơi khiến virus dính lên miếng thịt hoặc túi nylon, hộp đựng. Lúc này người mua nhận hàng từ tay F0 và chạm tay vào bề mặt chứa virus”.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (ảnh trái) nhận định nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ thực phẩm rất thấp.
Về lý thuyết, khả năng lây nhiễm trực tiếp từ đồ ăn, thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thực phẩm đã nấu chín là rất hiếm. Vì vậy, TS. Hùng cho rằng người dân không nên quá lo lắng và không cần xịt khuẩn lên thực phẩm.
TS. Hùng khẳng định cho đến nay, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên bề mặt thực phẩm nhưng chúng không thể phát triển trong thực phẩm, kể cả thực phẩm đông lạnh.
Nguyên nhân mắc Covid-19 từ thực phẩm
Covid-19 là bệnh đường hô hấp do đó con đường lây truyền của bệnh này là qua tiếp xúc giữa người với người, tiếp xúc với các giọt bắn đường hô hấp tạo ra khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc các chất tiết.