Sài Gòn sẽ khỏe lại, với đầy nhựa sống và năng lượng dồi dào như chưa từng có cơn bệnh nào trải qua.






Sài Gòn đang chìm trong một giấc ngủ buồn bã, và sẽ say ngủ như thế thêm 2 tuần nữa, hoặc hơn – nếu mọi chuyện chưa kịp thời tươi sáng. Thế nên, trước khi màn đêm buông xuống, ai cũng cứ cố nán lại ngắm nhìn cái yên bình lặng lẽ ấy thêm một chút. Buồn thật đấy, nhưng những gì đang diễn ra sẽ là lịch sử. Và khi chúng ta vượt qua rồi, ta sẽ nhớ đến nó bằng một cảm giác bồi hồi, bâng khuâng nhất…
Khi cuộc sống đã trở lại bình thường, khi những đường biên giới không còn đóng cửa, khi đường phố lại kẹt xe và tiếng rổn rảng cãi lộn của mấy bà bán cafe đầu ngõ là âm thanh báo hiệu một ngày mới – chúng ta sẽ nhớ về điều gì của những tháng ngày này?
Chúng ta sẽ nhớ lại những nỗi buồn chán vì phải giam mình trong 4 bức tường. Sẽ nhớ những mâm cơm ngày giãn cách. Sẽ nhớ nỗi lười biếng ập đến như một phản xạ sau nhiều ngày chỉ biết ở nhà.
Chúng ta sẽ nhớ về những ngày này như thế nào?
Chúng ta sẽ nhớ những đường phố vắng tanh không một bóng người, sẽ nhớ những giờ tan tầm-không-kẹt-xe, sẽ nhớ sang đường không phải ngó trước sau vì sợ hai làn xe lao tới.
Chúng ta sẽ nhớ việc bếp núc, nhớ việc trồng cây, nhớ tập thể dục trong nhà, nhớ cả những buổi Facetime với bạn bè cả tối chỉ để được nghe tiếng người nói bên tai.
Chúng ta nhớ hơn cả là nhớ về những số phận con người. Đại dịch đến cho ta một cơ hội nhìn lại sự may mắn của bản thân, để thấy quý giá hơn những gì mình đang có. Ta sẽ nhớ mãi đôi mắt rưng rưng của cụ bà bán vé số vệ đường, đang cố bán nốt tập vé số cuối cùng của buổi chiều hôm qua. Ta sẽ nhớ mãi nỗi buồn ánh lên sau gương mặt che kín khẩu trang của anh shipper – sẽ là 2 tuần nữa không có khách. Ta sẽ nhớ cái thở dài đánh thượt một cái của cô bán hàng cơm. Những người vất vả lại càng chất chồng thêm vất vả, cuộc sống của họ đã thật khó khăn sau 1 tháng giãn cách, và giờ đây, sẽ lại 2 tuần với đầy những thử thách và lo toan…

Sài Gòn hào sảng là mình yên ấm trong nhà cũng không thoải mái, nếu biết ngoài kia người ta đang vật lộn vì cái ăn. Người giàu đùm bọc người nghèo đã đành. Ở đây, người nghèo đùm bọc cho người nghèo hơn. Bác xe ôm, bà bán rau, chị bán bún,… Ai giúp được ai cái gì đều dốc hết lòng để giúp. Nhiều khi chỉ là mua giùm mớ rau, mời nhau chén súp, hay giúi vào tay một bịch gạo, lon mắm đủ ăn trong 1 tuần. Thành phố bị ốm, nên dân tự phải chăm nhau để ai cũng khỏe mạnh, có thế Sài Gòn mới mau khỏi bệnh. Tất cả những con người ấy, dẫu bé nhỏ hay lớn lao, họ đều là sinh khí, là tinh thần của Sài Gòn cả. Thế nên khi Sài Gòn trọng thương, họ cũng là một phần của thành phố để ta cùng ôm vào lòng chở che.
Chúng ta cũng sẽ nhớ thật nhiều về tình người, về sự quan tâm và yêu thương của những kẻ xa lạ. Người ta cứ nhắc mãi về Sài Gòn hào sảng, thì đây, giữa mùa dịch này, ta mới thấy rõ cái hào sảng đấy là gì, ra sao? Sài Gòn hào sảng là bao đồng, là ở nhà không không chịu được, phải lo cho cả những người đang lao đao ngoài kia cơ. Sài Gòn hào sảng là người có tiền góp tiền, có sức góp sức, mỗi người một tay gom góp vào thổi từng nồi cơm, quả trứng, nấu từng suất ăn để gửi đến nào y bác sĩ trong bệnh viện cho đến người dân lao động nghèo.
Chỉ cần ta giữ vững niềm tin và thật sự đoàn kết, ta sẽ vượt qua và những tháng ngày này chỉ còn là câu chuyện ta kể nhau nghe. Sài Gòn sẽ khỏe lại, với đầy nhựa sống và năng lượng dồi dào như chưa từng có cơn bệnh nào trải qua. Người Sài Gòn cũng sẽ lại mỉm cười, sẽ vẫn lạc quan tin vào những điều tốt đẹp nhất mà con người có thể làm cho nhau. Mùi thức ăn thơm phức rồi lại ngào ngạt trong những con hẻm, kể cả sáng sớm lẫn đêm khuya. Nụ cười ấm áp và tiếng mắng yêu của mấy chị, mấy má bán quà vặt trong chợ, hay lời chúc ngày mới dễ thương từ anh tài xế. Những con phố rồi sẽ đông trở lại, tắc đường nữa, dĩ nhiên. Ánh đèn sẽ lại rực rỡ trên khắp những biển hiệu, những nhà hàng, vui vẻ và ấm cúng dù là giữa những cơn mưa. Sài Gòn sẽ lại ngẩng cao đầu mỉm cười, kiêu hãnh và tươi sáng như nó vốn dĩ.
Hôm nay, sẽ là ngày đầu tiên của một trận chiến cam go hơn trước. Một trận đánh dữ dằn để đuổi virus ra khỏi thành phố thân thương. Sẽ lại là khó khăn và cả nỗi đau buồn của người cùng cực nữa, nhưng ta đều biết mình phải cố gắng nhiều hơn để hiện tại u ám này chấm dứt thật nhanh.
Và tất cả những gì ta nhớ về chuỗi ngày này, không chỉ là những ảm đạm hay bế tắc, mà tất cả sẽ chỉ là: “Một giai đoạn vất vả và đáng nhớ mà chúng ta đã vượt qua cùng nhau…”.
Tin tổng hợp