Nhắc đến Nghệ An người ta không chỉ nhớ về món cháo lươn béo ngậy Thành Vinh, mà còn đó món nhút Thanh Chương dân dã nhưng lại gói gọn nét ẩm thực bao đời. Bởi thế, nếu có cơ hội dừng chân ở miền đất này đừng quên nếm thử món ăn bình dị mà thân thương.
Nếu như trong bữa cơm của người miền Bắc phải có dưa muối, cà pháo; người miền Tây là rau muống chua, củ kiệu thì với người miền Trung phải là nhút.
Với nhiều người, nhút là một cái tên khá lạ lẫm. Vì nhút là tên gọi địa phương của người Nghệ An. Nhưng thực chất nhút là trái mít. Nhút nổi tiếng nhất phải kể đến nhút Thanh Chương – một nơi chuyên trồng mít, loại mít ngon.
Chỉ nghe qua tên gọi thì khó ai có thể đoán ra hương vị, nguyên liệu của món đặc sản xứ Nghệ này. Chẳng ai hiểu vì sao lại gọi món ăn bằng “nhút” vì cái tên chẳng thể gợi lên được bất cứ thông tin gì. Thực tế, nguyên liệu để làm nhút chính là trái mít.
Nhắc đến nhút Thanh Chương người ta còn nhớ đến một câu chuyện liên quan. Theo đó, truyện kể rằng, ngày xưa ở vùng đất Thanh Chương nghèo khổ đất cằn cỗi đầy sỏi đá nên việc làm nông nghiệp không đủ nuôi sống các gia đình. Để khắc phục tình trạng thiếu ăn, người dân nơi đây luộc mít để ăn chấm với chẹo – một loại nước chấm độc đáo được làm từ tương và lạc, ăn thay cơm.
Nghe người miền Trung kể lại: Vào thời điểm đói kém, thóc lúa hết, trong nhà chỉ còn khoai với nhút. Mọi người đã dùng khoai làm thay cơm và nhút chế biến thành thức ăn mặn. Cứ ngỡ, nhút khó ăn, nhưng không ngờ khi muối lên, nó khá dễ ăn và ngon. Kể từ đó, người dân duy trì thói quen làm nhút ăn trong bữa cơm. Vì được làm nguyên liệu bình dị nên nhút được mệnh danh là món ăn “nhà nghèo”. Tuy vậy, nó lại có một sức hút đặc biệt, trở thành nét văn hóa riêng trong ẩm thực của người miền Trung.
Do mít chỉ có vào mùa hè nên người ta đã nghĩ ra cách muối mặn để ăn dần quanh năm gọi là nhút. Từ đó cho đến nay, nhút Thanh Chương được hình thành và đã trở thành món ăn quen thuộc, gắn bó với người dân, gợi nhớ về quá khứ nghèo khổ để cố gắng có cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.
Người ta chọn những quả mít non, sau đó gọt vỏ, rửa sạch, lọc phần cơm trắng bên trong được thái thành sợi nhỏ dài, rồi đem đi phơi dưới cái nắng vàng giòn của miền Trung, cho đến khi sợi mít khô và se lại.
Để có được món nhút Thanh Chương nổi danh thì đòi hỏi người chế biến phải thật khéo léo trong cách gia giảm nguyên liệu. Phần muối để ướp nhút nhất định không được quá nhiều vì như thế sẽ bị mặn, nhưng nếu ít muối thì món ăn lại nhanh hỏng. Sau đó người ta cho vào chum vại, đổ thêm nước rồi đậy kín, ủ muối như các loại dưa khác.
Nhút Thanh Chương sau khi muối xong có thể chế biến thành nhiều món khác nhau tùy thuộc vào sở thích ăn uống của mỗi người. Bạn có thể chấm nhút cùng với chẹo, kèm thêm chút rau kinh giới. Hay trộn với thịt ba chỉ luộc và lạc rang để làm món nộm ngon khó cưỡng. Và cũng có khi nhút nấu canh cá chua để xua đi nóng bức ngày hè. Có lẽ hiếm có món nào có thể chế biến thành nhiều phiên bản thơm ngon như nhút Thanh Chương.
Món ăn tưởng chừng dân dã ấy lại gói gọn hồn quê, khiến những người tha hương mỗi bận đi xa trở về đều muốn thưởng thức cho thỏa nỗi nhớ, cho trọn niềm thương…
Nhút Thanh Chương Nam Đàn Nghệ An có thể ăn một mình với cơm. Ngoài ra, nó có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon khác. Phải kể đến như nhút xào thịt, nhút nộm thịt ba chỉ, tai heo, hoặc nhút nấu với canh cá chua… Đặc biệt khi ăn sẽ cảm nhận được vị mằn mặn của nhút, vị ngọt của thịt khi nấu chung hoặc vị chua của canh cá khiến ai thưởng thức đề nhớ mãi không quên.
Đến bây giờ, nhút Thanh Chương vẫn hớp hồn được nhiều người ăn. Dù nó chẳng là sơn hào hải vị nhưng nó vẫn mang đến một nét đẹp riêng cho ẩm thực của người xứ Nghệ. Đặc biệt là khi du khách đến với Việt Nam.
Tin Tổng hợp