Đây là một trong những câu chuyện ma nổi tiếng nhất Sài Gòn, nói về hồn ma của một cô gái trẻ lang thang trên hành lang của Bảo tàng Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh (đường Phó Đức Chính, quận 1).
Quay trở lại những năm 30 thế kỷ trước, khi bộ ba tòa nhà lần đầu tiên được xây dựng, đây là nơi ở củagia đìnhHứa Bổn Hòa, một ông trùm bất động sản cực kỳ giàu có được cho là sở hữu khoảng 20.000 bất động sản trong thành phố. Tòa nhà chính từng là dinh thự của gia đình họ, bị đồn đại là có hồn ma cô con gái họ Hứa ám ảnh.
Chuyện kể dân gian cho rằng cô gái này mắc bệnh phong và bị giam trong một phòng ngủ ở tầng trên. Thời gian đó, bệnh phong bị kỳ thị khủng khiếp mà khiến người ta kinh sợ. Muốn giữ thể diện, gia đình quyết định che đậy việc này bằng cách thông báo rằng cô gái đã qua đời vì một căn bệnh bí ẩn và tổ chức tang lễ công khai. Trong khi đó, cô con gái nhà họ Hứa còn sống và bị nhốt trong phòng, bữa ăn hàng ngày được đưa qua khe dưới cánh cửa. Gia đình nhốt cô nhiều năm cho đến khi sự cô đơn và đau khổ khiến cô mất trí và tự kết liễu đời mình.
Nhiều phiên bản của câu chuyện dân gian này nói rằng cô gái đã treo cổ tự vẫn, trong khi phiên bản khác kể cô đã tự thiêu. Kể từ đó, nhiều người nói họ đã nhìn thấy bóng dáng ma quái của một người phụ nữ đi lang thang trong các hành lang của tòa nhà và nghe tiếng ai đó khóc lóc trong đêm khuya.

Penangglan
Penangglan được xem là ma cà rồng của Malaysia. Nó có khuôn mặt của một người phụ nữ sắc xảo, tuy nhiên phần cổ lại không có da thịt và nối thẳng tới tim, thân dưới chỉ có dạ dày và ruột. Bình thường, Penangglan có hình dáng giống như một người phụ nữ, nhưng khi giật mình, nó sẽ lộ nguyên hình. Ngoài ra, nó có thể đi xuyên tường hoặc biến thành thể lỏng và chui qua những lỗ hở trong nhà.
Theo truyền thuyết, Penangglan thường lấy máu người làm thức ăn. Cách thông dụng nhất để phòng tránh là sử dụng gai của loại lá có tên Mengkuang để làm bị thương con quái vật. Ngoài ra, có thể trộn lá này với rượu và tưới xung quanh nhà.

Quái vật Worm
Quái vật Mông Cổ Allghoi khorkhoi, được biết đến nhiều với cái tên Worm là một con rắn, hoặc sâu khổng lồ, toàn thân màu đỏ dài tới 1,5m, phun axit vào tất cả vật thể sống trên đường đi của nó.Người dân trên sa mạc Gobi đã truyền miệng câu truyện hàng ngàn đời nay về con quái vật này. Mặc dù đã từng có hai nhà báo tìm thấy bằng chứng chứng minh sự tồn tại của Worm nhưng tới nay, phần lớn mọi người vẫn coi nó chỉ là một huyền thoại của sự tưởng tượng.

Ma Phae Wah – điềm báo cái chết
Với người Myanmar, Ma Phae Wah là điềm báo của cái chết, giống như con chó đen của Anh hoặc Banshee của Ireland. Đây là một trong các dạng tồn tại siêu nhiên mà người Myanmar gọi chung là Nat. Quan niệm về nó chính là sự pha trộn giữa các tín ngưỡng vật linh của địa phương và Ấn Độ giáo, Phật giáo.
Ban đầu, Nat là linh hồn của những người đã chết tức tưởi, đau đớn. Sau đó xuất hiện các linh hồn Nat khác sinh ra từ sự vật trong thế giới tự nhiên, các linh hồn bảo vệ núi rừng hoặc địa điểm nào đó. Ma Phae Wah chỉ là một trong những dạng Nat ấy.
Là thần hộ mệnh của các nghĩa địa ở Myanmar, Ma Phae Wah biến nơi đây thành ngôi nhà của mình trong sự cô đơn của cái chết. Ma Phae Wah có hình dạng phụ nữ với mái tóc đen dài bồng bềnh. Lúc nửa đêm, cô ta nâng một chiếc quan tài lên vai và rời khỏi nghĩa trang, đi vào ngôi làng hoặc thị trấn gần đó. Sứ giả báo trước cái chết xõa mái tóc dài bồng bềnh trong làn gió ma mị, loạng choạng bước đi tìm kiếm ngôi nhà của người sắp chết. Cô đặt quan tài trước cửa và chẳng bao lâu sau đó, một thành viên trong gia đình sẽ qua đời.
Vào cuối những năm 1990, một nhà sư ở bang Kayin mơ thấy Ma Phae Wah xuất hiện, nói rằng mình sẽ ăn thịt trẻ sơ sinh. Sau khi cân nhắc, nhà sư này khuyên mọi người dùng thịt chó để dụ sứ giả của cái chết. Sau đó, nhiều gia đình bảo vệ con nhỏ bằng cách dán tấm biển trước cửa nhà với nội dung: “Thịt con chúng tôi thì đắng, nhưng thịt con chó thì ngọt”.

Ma ô
Kasa-obake là một trong những quái vật thành tinh sau 100 năm của Nhật Bản. Tuy nhiên con quái vật này kì lạ hơn so với đồng loại khác ở điểm là nó được biến đổi từ…một chiếc ô.
Karakasa là một kẻ chuyên đi lừa gạt và rất thích dọa nạt con người. Tuy nhiên, chúng cũng rất thích chơi đùa. Chúng sẽ rất hạnh phúc khi được chơi với bất cứ ai, đặc biệt là những người có vẻ ngoài trẻ con. Karakasa rất thích bay lượn lòng vòng trong những ngày trời mưa. Nhiều người nghĩ rằng con quái vật làm họ buồn cười hơn là đáng sợ.

Namahage
Namahage là một con ma mang đậm tính “giáo dục” của người Nhật Bản. Chúng sống ở các vùng nông thôn và người dân phải cúng tế thực phẩm cho nó thường xuyên, cùng một người phụ nữ mỗi năm.
Vào đêm giao thừa, chúng sẽ tới từng nhà gỡ cửa, dọa dẫm những người lười biếng. Dù có khuôn mặt vô cùng dữ tợn nhưng Namahage lại đặc biệt sợ những đứa trẻ chăm chỉ, học tốt và yêu lao động.

Preta – ngạ quỷ của người Thái Lan
Người Thái Lan tin rằng những kẻ độc ác sau khi chết sẽ thành loại sinh vật khủng khiếp gọi là Preta. Chúng bị tra tấn, chịu đựng đau khổ bởi cơn đói bất tận, do lúc còn sống gây nghiệp ác. Một số ngạ quỷ (quỷ đói) còn tự ăn thịt chính mình.
Có nhiều loại Preta khác nhau, là kết quả của các loại hành vi sai trái lúc còn sống như quá keo kiệt hoặc lợi dụng mọi người. Sự đau khổ vĩnh viễn của ngạ quỷ trong bộ dạng gầy trơ xương lang thang khắp nơi là nỗi ám ảnh đáng sợ không chỉ đối với người Thái. Loại ma quỷ này cũng xuất hiện trong nhiều nền văn hóa cổ đại châu Á dưới nhiều tên gọi khác nhau.
Về ngoại hình, Preta trông giống như một phiên bản kéo dài không cân xứng của Gollum trong phimChúa tể những chiếc nhẫn. Chúng có cổ dài, thân hình gầy với cái bụng phình to, da ngăm đen, bàn tay to như lá cọ. Chúng cao bằng một cây cọ và có miệng nhỏ như lỗ kim khâu, điều này giải thích tại sao chúng thường xuyên đói. Những tiếng rên rỉ the thé mà nhiều người nghe thấy trong đêm yên tĩnh tối tăm ở Thái Lan được cho là âm thanh của loài Preta đi lang thang trong đêm.
Ngạ quỷ hiếm khi ảnh hưởng trực tiếp đến con người, thường là vô hình đối với người sống. Chúng tìm cách chấm dứt đau khổ bằng cách tham dự các buổi lễ công đức tại chùa, do các Phật tử tốt bụng thực hiện để cứu vớt chúng. Khi ngạ quỷ đã tích lũy đủ công đức, chúng sẽ được giải thoát.
Ở Thái Lan, các câu chuyện về ngạ quỷ được dùng để giáo dục đạo đức, ngăn con người làm việc xấu. Nhiều ngôi chùa dựng tượng Preta như một lời nhắc nhở hướng thiện.