Đây là một câu chuyện mang nhiều màu sắc huyền thoại, được người đời truyền kể, thậm chí còn được “sân khấu hóa”, dàn dựng rất hấp dẫn. Người dân địa phương cho rằng sau “lớp áo” kỳ bí trên có thể còn chứa đựng một sự thật lịch sử nào đó cần phải nghiên cứu làm rõ.
Dinh Thầy Thím thuộc địa phận xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1997. Đây là một địa chỉ tâm linh, tín ngưỡng nổi tiếng ở Bình Thuận, được đông đảo du khách thập phương, trong đó có cả bà con kiều bào trên thế giới biết và tìm đến hành hương chiêm bái, nhất là vào dịp lễ hội Dinh Thầy Thím tổ chức vào trung tuần tháng 9 âm lịch hàng năm.
Dinh Thầy Tím tọa lạc giữ khu rừng dầu tĩnh mịch trên một khu đất cát trắng, thuộc xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Dinh được nhân dân địa phương xây dựng để thờ Thầy Thím – nhân vật mà theo truyền thuyết tại địa phương, là người hiền lành, đức độ, chữa bệnh cứu người nghèo.
Theo hồ sơ khoa học về di tích Dinh Thầy Thím của Sở VH-TT-DL Bình Thuận, ngày xưa ở tỉnh Quảng Nam có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người, rất được dân làng mến mộ. Vì bị nhà vua xét xử oan ức nên đạo sĩ cùng vợ phiêu dạt vào phương Nam lánh nạn.
Tam Tân, một làng quê xa xôi trù phú, trở thành nơi dừng chân cuối cùng của vợ chồng đạo sĩ. Và cũng từ đây, những truyền thuyết đức độ của vợ chồng đạo sĩ được hết lòng ca ngợi, dân làng Tam Tân thân thiết gọi vợ chồng đạo sĩ là “Thầy – Thím”.
Thầy sinh vào những năm đầu của triều đại Gia Long, cần mẫn dùi mài kinh sử, tầm sư học đạo, nuôi chí giúp đời. Việc lớn chưa thành thì Thầy gặp đại tang, cha mẹ đột ngột qua đời. Là người con hiếu thảo, Thầy ở lại quê nhà cùng vợ chịu tang cha mẹ.
Làng quê Thầy – Thím nhiều năm liền hạn hán, mất mùa, đời sống của người dân cơ cực. Thầy lập đàn khấn nguyện, trời đang trong xanh bỗng sấm chuyển, mưa như trút nước, cỏ cây hồi sinh. Từ đó, Thầy nổi danh là đạo sĩ dùng phép thuật cứu giúp dân làng.



Dân làng Tam Tân bấy giờ chủ yếu sống bằng nghề làm biển nên thóc gạo phải mua của các thương buôn đường biển, nhưng gặp phải bọn thương buôn gian tham, chúng không chỉ thao túng về giá cả mà còn gian lận trong cân đong làm cho nhân dân than oán. Trước cảnh khốn cùng đó, Thầy đó đã hoá phép tạo trận cuồng phong, mưa tuôn xối xả làm biến mất chiếc ghe gạo. Sáng ra thấy chiếc ghe chở gạo nhẹ tênh không còn một hạt, lão thương buôn biết rõ ngọn nguồn và tỏ ra ăn năn xin Thầy độ lượng. Sau những lời khuyên dạy với kẻ biết hồi tâm, Thầy làm phép lạ bằng chiếc bầu nhỏ trong tay, trong chốc lát chiếc thuyền lại đầy gạo như cũ.
Một hôm dân làng Tam Tân được tin Thầy Thím đã thác, dân làng đến nơi thấy có sẳn hai chiếc quan tài lòng ai cũng ngậm ngùi thương xót và đem mai táng ở khu rừng Bàu thông gần đó. Để tỏ lòng biết ơn công đức của Thầy Thím lúc sinh thời, nhân dân trong làng đã chung sức lập Dinh, thờ Thầy Thím tại khu rừng Bàu Cái. Những năm sau khi Thầy Thím qua đời, cứ đến mùng 5 tháng giêng âm lịch hàng năm người ta thường có đôi bạch hổ từ trong rừng sâu về canh giữ và tảo mộ Thầy Thím. Về sau khi đôi bạch hổ qua đời nhân dân đã an táng xác bạch hổ bên cạnh mộ Thầy Thím.
Còn rất nhiều chuyện kể về sự linh hiển của Thầy Thím trong việc cứu người bị nạn, giúp tiền bạc và chữa bệnh cho nhân dân lao động nghèo khó. Nghe tiếng đồn về công đức và những nghĩa cử cứu nhân độ thế cao đẹp của Thầy Thím, nên đến đời vua Thành Thái năm thứ 18 (1906) đã xem xét lại án xử trước đây và ban sắc phong cho Thầy Thím “Chí đức tiên sinh, chí đức nương nương, tôn thần”.
Sự tích Thầy Thím là một truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ, có thể nói đây là một sự tích hoàn toàn mang nội dung tích cực và có giá trị giáo dục rất sâu. Không chỉ phản ảnh được thực trạng của bối cảnh tự nhiên và xã hội bấy giờ mà sự tích còn đề cao tính nhân nghĩa, đạo đức, nhân cách cao cả qua nhân vật Thầy Thím – một mẫu hình lý tưởng mang đậm tính nhân bản sâu sắc, đó cũng là biểu trưng sắc thái văn hóa dân tộc Việt Nam và con người trong xã hội luôn mơ ước và vươn tới. Trước những bí ẩn của tự nhiên và xã hội phong kiến bấy giờ thì việc hư cấu hay thần thoại hóa nhân vật Thầy Thím của người là việc khó tránh khỏi. Rõ ràng ý nghĩa và giá trị đích thực của câu chuyện nhằm đề cao đến lẽ phải, đạo lý, sự công bằng và chuẩn mực của xã hội, góp phần giáo dục truyền thống, nhân cách và lối sống tốt đẹp cho mọi thế hệ, giữ gìn nếp thuần phong mỹ tục lâu đời của dân tộc.
Năm 1997, Dinh Thầy Thím được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và Lễ hội Văn hóa du lịch dinh Thầy Thím đã trở thành một trong những Lễ hội lớn, góp phần vào sự phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận.
Chỉ là một truyền thuyết dân gian với nội dung giới thiệu về thân thế và ca ngợi công đức của Thầy – Thím, qua đó giáo dục con người biết hướng thiện, sống nhân ái, đạo nghĩa, tuy nhiên khi tìm đến người dân địa phương để hỏi, ai cũng kể rành mạch về sự tích Thầy – Thím và họ khẳng định đây là những nhân vật có thật. Đó là Thầy (tên chồng) và Thím (tên vợ) được người dân gọi vắn tắt “Thầy – Thím” và vốn là cặp vợ chồng không tên, không có con cho đến khi mất.
Ông Văn Công Sơn, vốn là Trưởng ban quản lý di tích, cho rằng: Thầy – Thím là những con người có thật, cuộc sống thật chứ không phải thần hoàng cai quản một vùng đất. Thầy – Thím qua đời sau một đêm mưa dông bão bập bùng trong căn nhà ở rừng sâu. Người dân thờ cúng Thầy – Thím là để tỏ lòng biết ơn, kính trọng vì những việc làm của Thầy – Thím. Với người dân địa phương, Dinh Thầy Thím là điểm tựa để nâng đỡ họ mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống.
Theo nhà nghiên cứu Trần Viết Điền, năm 1802, vua Gia Long cho hành tội Nguyễn Huệ và các nhân vật nhà Tây Sơn. Xương cốt 7 “tử tội” cho vào giỏ mây, thả trôi trên sông Hương. Có lẽ xương cốt đã trôi theo dòng, rồi tấp vào bờ xóm Kim Bồng (nay là làng Hòa An, Phú Vang, Thừa Thiên – Huế).
Xóm này vốn là nơi ngụ cư của những lính thợ gốc Quảng Nam, chuyên đóng thuyền bè phục vụ thủy quân từ thời chúa Nguyễn, qua thời Tây Sơn, rồi đến thời các vua Nguyễn. Người dân xóm Kim Bồng phát hiện các giỏ mây có cốt đã hóa thạch, bí mật thờ phụng, theo thời gian tôn tạo thành Miếu Thất Vị.
Một vị quan nhà Tây Sơn từng biết bí mật về 7 giỏ mây có hài cốt, lui về ẩn dật ở làng La Qua (Quảng Nam), tạo nên thần thoại và dựng 7 bệ thờ (sau gọi là Bảy Miếu, hay Miếu Thất Vị), thực chất nhằm âm thầm hương khói các vua, hoàng hậu, tướng lĩnh Tây Sơn bị hành hình năm xưa.
Vị cựu thần Tây Sơn này tinh thông lý số, từng giúp dân làng La Qua. Tiếng đồn đến tai triều đình, vị nho sĩ – đạo sĩ đã bị khép tội chết. Có khả năng ông đã tránh vào Bình Thuận, rồi từ đó hình thành nên truyền thuyết về Thầy – Thím ở La Gi.
Tuy vậy, giả thuyết trên vẫn còn nhiều “điểm mờ”, vì chính nhà nghiên cứu Trần Viết Điền cũng nhận định rằng, đó là một “giả thuyết táo bạo”, cần được “tiến hành kiểm chứng trong tinh thần khoa học”. Do vậy, cho đến nay truyền thuyết về Thầy – Thím vẫn mang nhiều màu sắc huyền thoại và bí ẩn.
Tin Tổng hợp