Trong chiều tối ngày 18/7, lượng người đến các siêu thị trên địa bàn Hà Nội tăng đột biến, chủ yếu là để mua sắm, tích trữ đồ.
Trên mạng xã hội, không ít cư dân mạng đã chụp ảnh, cập nhật tình hình mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại nơi mình sinh sống. Rất nhiều kệ hàng gần như trống trơn dù chỉ mới 8h tối. Khách hàng chủ yếu mua mì tôm, gạo, rau xanh, thịt và đồ đông lạnh.
Vì lượng người đổ về quá đông, việc thanh toán tại các quầy thu ngân cũng gặp rất nhiều khó khăn. Có người đứng xếp hàng gần 2 tiếng đồng hồ vẫn chưa đến lượt.
Dòng người bắt đầu đổ về siêu thị tại 1 số khu vực trên địa bàn Hà Nội để tranh thủ mua đồ. (Ảnh: TTXVN)
Theo Thông tấn xã Việt Nam, chiều ngày 18/7, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ra công điện, quyết định áp dụng các biện pháp cấp bách phòng chống dịch từ 0h ngày 19/7 trên toàn địa bàn. Theo đó, mọi người được yêu cầu ở tại nhà và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu cũng sẽ phải tạm ngừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.
Sau khi có thông tin này, tại nhiều siêu thị đã xuất hiện tình trạng người mua đến đông hơn bình thường. Rất đông người đã kéo đến để mua sắm, tích trữ những mặt hàng cần thiết trước khi công điện chính thức có hiệu lực.
Quầy thịt, giò đã trống trơn dù còn rất sớm. (Ảnh: M.M)
Lượng khách tăng đột biến khiến nhân viên siêu thị cũng phải hoạt động hết công suất. (Ảnh: N.L)
Chia sẻ với chúng tôi, chị H.Y ở Nam Từ Liêm cho biết: “Thật ra mình cũng không muốn chen chúc đi mua đồ làm gì. Nhưng mà mấy hôm nay chợ quanh nhà đều đóng cửa nên tranh thủ ngày nghỉ mới đi mua chút đồ. Ai ngờ đúng lúc thành phố có lệnh phòng dịch, người khác cũng đổ xô đi mua nhiều như thế.”
Chị M.A ở Cầu Giấy cũng chia sẻ định xuống siêu thị bên dưới chung cư để mua những đồ thiết yếu. Song nhiều sản phẩm rơi vào cảnh “cháy hàng” trong khi ngày thường siêu thị rất thưa người mua.
Hàng dài người xếp hàng chờ thanh toán, tất cả các quầy thu ngân đều kín khách. (Ảnh: M.M)
Đồng thời, để đảm bảo hàng hóa lưu thông, doanh nghiệp cũng bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển hàng đến các điểm bán: “Để phục vụ công tác phòng chống dịch, thành phố đã bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện để làm kho dự trữ hàng hóa, các điểm bán lưu động khi cần thiết.” – lãnh đạo Sở Công Thương thông tin.
Sở Công Thương Hà Nội cam kết không để xảy ra thiếu hàng, phân bổ lượng hàng hóa đầy đủ. Cơ quan này cũng khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đông người đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Hà Nội đã chuẩn bị rất kĩ các phương án để phòng chống dịch bệnh mà hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân. Trước tình hình này, mọi người không nên hoang mang, cần bình tĩnh thực hiện đúng chỉ đạo của thành phố để cùng vượt qua đợt dịch này.
Cư dân mạng kêu gọi không cần thiết phải đổ xô đi tích trữ đồ. (Ảnh: Chụp màn hình)
– Trời ơi kể cả có giãn cách cũng đâu cấm siêu thị hoạt động đâu mà mọi người phải chen nhau mua thế này.
– Mình nghĩ đã từng có kinh nghiệm giãn cách rồi thì cảnh này sẽ không lặp lại. Ai ngờ…
– Thế này thì liệu có đảm bảo an toàn giữa mùa dịch thế này không. Bao nhiêu người không hề giữ khoảng cách.
– Chỉ định ra siêu thị gần nhà mua chút rau mà không ngờ đông đến thế. Mọi người còn nhanh chân hơn cả mình.
Cũng theo Thông tấn xã Việt Nam, để mọi người được an tâm trong thời gian thực hiện biện pháp phòng chống dịch, đại diện Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, lượng hàng hóa là đủ để cung ứng trong mọi tình huống. Qua buổi làm việc với các hệ thống phân phối trên địa bàn về công tác chuẩn bị hàng hóa phòng chống dịch, đại diện Sở cũng cho hay, hiện các doanh nghiệp đã dự trữ tăng từ 30-50% lượng hàng hóa thiết yếu.
Không ít người sau khi nhìn thấy cảnh chen chúc nhau mua hàng trong siêu thị thế này đã bày tỏ sự lo lắng về khả năng phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến kêu gọi không nên tích trữ đồ vì trên thực tế không cấm chợ hay siêu thị hoạt động và mọi người vẫn có thể ra ngoài mua sắm như bình thường.
Sở Công Thương khuyến cáo không tập trung đông người để mua sắm, dự trữ vì các doanh nghiệp đảm bảo cung ứng đủ. (Ảnh: M.M)
Tin tổng hợp