Xuất hiện “liên hoàn bão”, bà con hồi hương nên chú ý
Chiều ngày 9/10, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã tổ chức họp với các cơ quan chức năng và một số tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh. Trong buổi họp, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đã thông tin về cơn bão số 7, sắp đổ bộ vào Việt Nam.
Đoàn người di chuyển bằng xe máy về quê từ các tỉnh phía Nam. (Ảnh: Dân Việt)
Thông tin từ Tuổi Trẻ, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tính đến 16 giờ chiều ngày 9/10, bão đã ở vùng Bắc đảo Hải Nam. Sức gió ở vùng gần tâm bão rơi vào khoảng 60km/h đến 75km/h, giật cấp 10. Theo ông Khiêm, trong chiều tối hoặc đêm cùng ngày, bão sẽ đi thẳng vào vịnh Bắc Bộ. Dự báo, cơn bão số 7 có thể suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi vào đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ vào chiều ngày 10/10. Vị đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng cho biết thêm, từ đêm ngày 9/10 đến sáng ngày 10/10 là khoảng thời gian có gió mạnh nhất trên biển.
“Trên đất liền vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có khả năng gió mạnh cấp 6-7, khu vực ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định có nơi cấp 8, giật cấp 9 do ảnh hưởng của bão kết hợp không khí lạnh” – ông Khiêm thông tin tại buổi họp trực tuyến.
Mưa bão sẽ khiến việc di chuyển gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: Pháp Luật TP.HCM)
Đáng chú ý, ở thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều đoàn người di chuyển bằng xe máy từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch. Nếu các tỉnh miền Trung tiếp tục mưa lớn sẽ khiến nhiều điểm tuyến Quốc lộ 1 ngập sâu, bà con về quê sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm.
“Chúng tôi sẽ có đề nghị các tỉnh dọc quốc lộ 1 từ Hà Tĩnh trở ra phải có các giải pháp, trước hết là tính toán các điểm tránh trú cố định cho người dân. Trường hợp không có điểm cố định, thì phải chuẩn bị lều bạt để hỗ trợ bà con tránh trú khi gặp mưa bão trên đường hồi hương từ phía Nam ra” – ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – ông Lê Minh Hoan cũng cho rằng các đơn vị, chính quyền địa phương phải cẩn trọng. Theo đó, ông chia sẻ tại buổi họp: “Ba yếu tố cùng xảy ra một lúc, thiên tai do bão số 7, dịch bệnh và dòng người hồi hương, nên rất dễ xảy ra các rủi ro cho người dân. Do đó, tôi đề nghị chính quyền địa phương lưu ý vấn đề này, đặc biệt cần có thông tin kịp thời cho bà con, để bà con tính toán có thể lùi thời điểm về quê thêm ít ngày”.
Dịch bệnh, mưa bão,… rất nhiều vấn đề khó khăn đang trở thành thách thức cho bà con hồi hương. Dẫu vậy, hi vọng mọi người sẽ bình an trở về trong hành trình hồi hương đầy khó khăn của mình.
Dự kiến hướng đi của bão số 7. (Ảnh: Dân Trí)
Báo Dân Trí cũng đưa tin, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia còn phát hiện thêm một cơn bão khác được hình thành trên vùng biển Thái Bình Dương với tên gọi Kompasu. Thông tin từ đơn vị trên, bão Kompasu có thể đi vào Bắc Biển Đông trong đêm ngày 11/10. Sau đó, cơn bão này có thể gây mưa to đến rất to tại khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị trong khoảng thời gian từ ngày 13/10 đến ngày 14/10. Cuối cùng, bão có thể nhiễu động, tạo áp thấp, bão trên vùng Biển Đông.
Bão đổ bộ sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều địa phương nên hiện tại, các tỉnh, thành phố đang gấp rút thành lập đội cứu hộ cứu nạn, di tản bà con tại vùng nguy hiểm đến điểm an toàn. Song song đó, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định đã có lệnh cấm biển; Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An dự kiến cấm biển trong tối ngày 9/10 đến sáng sớm 10/10. Quân đội cũng đã sẵn sàng chi viện 380.000 người, 3.000 phương tiện để ứng phó kịp thời, giúp đỡ bà con trong lúc cấp bách do bão.
Tin tổng hợp